Nobuyoshi Araki đại diện cho những nhiếp ảnh gia thuộc trường phái hiện thực. Những bức ảnh của ông bị coi là quá táo bạo, đi thẳng vào trong cuộc sống thực mà không bị che đậy bởi bất cứ điều gì. Ông chọn ảnh khỏa thân vì chúng thường được giấu sau các bức tường hay trong những căn phòng kín. Nơi những hoạt động hay nhu cầu sinh hoạt bình thường nếu phơi bày thì bị cho là dung tục và thấp hèn.
“Đừng ngạc nhiên khi thấy tôi trong ảnh, vì nhiếp ảnh là cách tiết lộ bản thân. Tôi đến với nhiếp ảnh để khám phá những điều bình thường, những hoạt động đang diễn ra trong cuộc sống và không theo đuổi một đối tượng nào đặc biệt.“
(Bài viết có dùng tư liệu và biên tập lại từ trang wikipedia.org)
Ông bảo vệ quan điểm khi đi vào hiện thực thì bản thân cũng không che đậy. Nghĩa là người khác phải thấy được con người thực của mình. Quan điểm này ban đầu bị cho là vi phạm các chuẩn mực đạo đức và những cấm kỵ ngoài xã hội. Ông cho rằng, đạo đức là gì khi chúng ta đang nói dối chính bản thân mình hằng ngày?
Ông thừa nhận quan hệ với tất cả người mẫu để chụp ảnh hoặc ngược lại, không che đậy và không giáo điều. “Nếu bạn sốc với những gì tôi nói, vì bạn không thừa nhận chính bản thân mình”. Araki muốn phá bỏ những rào cản giữa con người với con người. Có thể nói, ông đã phá bỏ những giá trị truyền thống của nhiếp ảnh trước đây bằng cách đi thẳng vào chủ đề của mình. Trước đây, các nhiếp ảnh gia thường bị giới hạn bởi các chuẩn mực, khi đó họ trở thành những người chịu đựng và nô lệ của những luật lệ. Các nhiếp ảnh gia thường ở sau máy ảnh, thậm chí còn che đậy cả chính tên mình, ngược lại ông thích mình được xuất hiện trong khung hình.
Araki là người thách thức khái niệm “trung thực”, ông công bố những hình ảnh rất riêng tư trong đời sống vợ chồng, ngay từ giây phút đầu tiên trong tuần trăng mật của mình. Ông nói chụp ảnh như làm một cuốn nhật ký. Bạn ghi nhật ký để làm gì? Để thấy lại những gì thật sự đã trải qua. Điều gì xảy ra khi bạn ghi những điều không có thực? Nếu hình ảnh là dối trá thì người chụp ảnh là người nói dối. Khi đó, tình yêu bạn dành cho nhiếp ảnh là gì?
Là người phản đối tính phi hiện thực trong nhiếp ảnh, nhưng ông thừa nhận bản chất nhiếp ảnh là dối trá. Vì sự việc xảy ra bên ngoài mới là thực, ảnh chỉ là bản sao của một sự việc.
Vào thập niên 90, khi xã hội Nhật Bản quay cuồng với đời sống công nghiệp hiện đại, giá trị gia đình thay đổi, đàn ông Nhật gần như bận rộn với công việc, thậm chí không có nhiều thời gian để ngủ. Những khu đèn đỏ là nơi họ giải tỏa những nhu cầu bản thân, không phải nơi để hưởng thụ. Ông đã ở đó và phơi bày những hình ảnh sinh hoạt.
Araki chụp nhiều bức ảnh khỏa thân, những người đàn bà trong trang phục Kimono, cảnh bạo dâm hay hình ảnh người đàn bà bị trói chặt… Thời gian đầu, các triển lãm của Araki thường xuyên bị đóng cửa, sách bị thu hồi. Về sau, Araki mới có những triển lãm lớn ngoài phạm vi gallery cá nhân. Ở châu Âu, Araki được xem là một trong những nghệ sĩ quan trọng nhất của nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Ông là người theo đuổi cuộc sống thực chứ không phải nhiếp ảnh hiện thực tạo nên ông.
.